Khi đi trong không gian đầy am tháp, tượng, tranh của khu Việt phủ nổi tiếng, tôi vẫn nghĩ họa sĩ Thành Chương như một người lắm tiền và có vẻ muốn chơi trội. Cho đến lúc bước vào khuôn viên ngôi nhà ấy...
Tường đất, mái tranh, cửa tre, giường tre, bàn ghế cũng tre, một bộ chuông đất treo dưới cửa, và giần sàng, cối xay dựng bên chái nhà, trước sân một dãy chum vại, gáo dừa. Một vườn chuối xanh um cùng cau, mít, trầu không...
Họa sĩ đầu trọc, người nổi tiếng về tài vẽ tranh làm bìa báo Tết và có cặp kính tròn xoe nói rằng đó là ngôi nhà ông hằng mơ ước. Nó được tái tạo đúng nguyên mẫu của căn nhà nơi ông sinh ra năm 1948 và sống đến năm 1954 ở Đồi Cháy, Nhã Nam, Yên Thế, thuộc Bắc Giang ngày nay. Ở đấy, Hội Văn hóa Cứu quốc gồm các văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Trần Văn Cẩn... đã sống, cậu bé Thành Chương là con của nhà văn Kim Lân.

Sân nhà lát gạch, có bộ chõng tre uống nước
Căn nhà ba gian hai chái được mua lại ở ngay Sóc Sơn, với giá khoảng 2 triệu đồng, song cái dùng được chỉ là phần mái. Ông Chương dành cho nó riêng một khoảnh trong Việt phủ, theo đúng truyền thống "chuối sau, cau trước". Đất núi chở về từ mạn Thái Nguyên, cỏ tranh mua ở vùng cao, tre pheo làm nội thất thì mua ngay trong làng. Một nhóm thợ mộc địa phương được mời đến và yêu cầu là làm đúng thiết kế, không cần nhanh.

Vườn chuối với tượng Chí Phèo, Thị Nở
Căn nhà tranh tổng giá trị khoảng 50 triệu đồng của Thành Chương gây ấn tượng mạnh. Tường đất nện kỹ, đánh bóng loáng, chiếc máy lạnh trong phòng ngủ giấu trong một rọ tre. Trong bếp, chiếc quạt lúa bồi bằng giấy cổ lỗ được treo trang trọng. Cảm giác hiện đại chỉ đến khi ta bước vào trong phòng vệ sinh, nhưng cánh cửa của căn phòng này cũng được họa sĩ cho trổ một bức phù điêu theo phong cách truyền thống.


Cổng vào bằng đất nện và cánh cổng bằng tre
Ngoài sân, những chum vại với mâm gỗ đậy trên nắp và gáo dừa úp bên, những bộ cốc chén uống nước, cả những riu tép, nơm cá, giỏ cua đều là đồ cũ. Không có gì đắt đỏ, điều đáng kinh ngạc là sự cầu kỳ đến từng chi tiết trong từng đồ vật bài trí trong ngôi nhà. Dưới nền đất của hiên nhà, tôi thấy những chấm hoa văn li ti như dấu chân dã tràng. Thành Chương bảo đó là những hạt trám, ông mua quả về ăn, xong rồi lấy hạt đóng xuống hiên cho đúng cách của nhà xưa trên Yên Thế, trên ấy là đất trám, ăn xong, trẻ con đứa nào chẳng lấy hạt trám đóng xuống nền nhà.

Điếu cày và ấm đất đặt trước hiên
Ông quản gia tên Oai nói rằng, một số người khi vào nhà cứ bỏ giầy đi trên nền đất cho sướng. Nhà nhiếp ảnh Trần Huy Hoan thì xuýt xoa: "Đỉnh cao, đỉnh cao". Còn họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, chị gái ông Chương, khi tổ chức đám cưới cho con gái kết hôn cùng một người Mỹ, cả cô dâu chú rể cứ đòi... tân hôn trong ngôi nhà này!

Nhà vệ sinh cũng được trang trí bằng một cánh cửa chạm trổ